Phong Tục Hôn Nhân Của Dân Tộc Khmer Nam Bộ

Với 54 dân tộc anh em đã và đang cộng cư trên cùng lãnh thổ Việt Nam. Nếu nói lãnh thổ Việt Nam là một khu vười hoa xanh tươi tốt bởi những sắc màu văn hóa dân tộc thì nền văn hóa riêng của mỗi dân tộc là một bông hoa khoe sắc trong khu vườn đó. Nếu nói Việt Nam là một đại gia đình thì mỗi dân tộc là một người con, là anh em tốt cùng chung tay xây dựng một gia đình phép màu đẹp đẽ bởi những nền văn hóa độc đáo riêng của mình. Trong đất nước Việt Nam nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thì dân tộc Khmer có một nền văn hóa khá đặc trưng. Ở nơi đó, chúng ta sẽ tìm thấy được sự bình an, êm ấm, dịu hiền của con người thật thà, chân lắm tay bùn ấy. Cũng ở đó, ta sẽ tìm thấy được sự yên vui, trẻ trung qua những điệu múa, bài hát, sự phước lành qua các lễ hội diễn ra quanh năm, suốt mùa ấy và luôn được tổ chức mọi nơi từ trong chùa đến các Phum, các Sróc. Trong các lễ hội đó, thì lễ cưới của người Khmer được tổ chức rất riêng biệt và có phần rất đặc trưng. Trong lễ này chúng ta sẽ bất chợt nhận ra sự hạnh phúc, sung sướng mỹ mãn qua những ý nghĩa của từng nghi thức với những sự tích gắn liền được thực hiện trong lễ cưới này. Chúng tôi xin phép được giới thiệu đôi nét về lễ này đến tất cả các bạn !
 PHONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA DÂN TỘC KHMER NAM BỘ
Nhắc đến “phong tục” thì không một ai có thể xác định rằng “phong tục này có từ bao giờ, từ dâu mà có, do ai sáng lập nên hay tại sao nó lại như thế này ?” tất cả những bí ẩn đó sẽ không một ai biết họ chỉ biết rằng từ khi họ sinh ra đã thấy ông cha của mình đã thực hiện như vậy rồi. Thế là họ tiếp nhận và thực hiện cho con cháu mình như họ đã từng được dạy từ trước. Cứ thế cư thế, phong tục được truyền cho đến ngày nay. Không là trường hợp ngoại lệ, Lễ cưới của dân tộc Khmer cũng vậy. Trong lễ này có rất nhiều nghi thức được thực hiện rất độc đáo và thú vị mà không thể giải thích được tại sao? và vì sao? Và lễ cưới của dân tộc Khmer có tên là “APEA-PIPEA”.
Và ý nghĩa của từ “apea-pipea”.
Ngày xưa, lễ cưới của người Khmer chỉ có “pipae” mà thôi và nó được hiểu là “vu quy”. Bởi vì, người Khmer ngày xưa theo chế độ mẫu hệ nên việc tổ chức lễ cưới chỉ diễn ra tại tư gia đàng gái và chú rể sẽ qua ở nhà của cô dâu tức là ở rể. Nhưng về sau, do có sự giao lưu văn hóa nên lễ cưới được tổ chức tại cả hai bên gia đình còn việc quyết định cô dâu sẽ theo chồng hay chú rể sẽ theo vợ là chuyện cả hai gia đình sẽ bàn bạc và quyết định. Việc cô dâu qua nhà chú rể làm nghi lễ gọi là “apae”. Tứ đó, Lễ cưới được gọi là “pithi apea-pipea”.

Các giai đoạn để tổ chức lễ cưới của dân tộc Khmer Nam Bộ:
Giai đoạn trước lễ cưới.
Lễ cưới hỏi của người Khmer được tổ chức theo cổ truyền từ xưa đến nay. Trước khi diễn ra lễ nói, lễ hỏi, lễ cưới vấn đề quan trọng nhất là hai gia đình xem ngày, tháng, năm sinh của chú rể và cô dâu có hạp nhau hay không.
Nếu hạp, cha mẹ hai họ tìm đến ông Pelea xem ngày đến nói-hỏi-cưới. Riêng ngày hỏi cưới không cử hành vào tháng thiếu ví dụ như: tháng giêng, tháng ba, tháng năm, tháng bảy, tháng chín, tháng mười một và ba tháng nhập hạ của các vị sư trong chùa. Lễ cưới hỏi thường được tổ chức bên nhà đàn gái điều kiện hành lễ chìu theo nhiệm vụ quan trọng nhất là bên đàn trai nhờ ông mai bà mối là ông Maha cùng cha mẹ chú rể đem theo lễ vật như: hai nải chuối cơm, hai mâm cơm dẹp, một cặp nước ngọt, hai đĩa bánh tây yến, một mâm trầu cau, một mâm cơm, bánh trái đến nhà cô dâu đặt những lễ vật và hai mâm cơm gọn gàng xong mời cha mẹ dòng họ thân thuộc bên đàng gái ngồi có thứ tự một bên và bên chú rể một bên thắp đèn cầy và nhang. Trước tiên Maha mời những vông linh ông bà đã quá cố vào dùng những lễ vật của con cháu trai và con cháu gái của ông bà,…
Khi cha mẹ cô dâu thống nhất gả thì cha mẹ chú rể đưa mâm cơm rượu mời cha cô dâu dùng và đưa mâm trầu cho mẹ cô dâu dùng. Khi dùng xong đưa các lễ vật có cặp như đã kể trên cho cha mẹ cô dâu. Theo phong tục ngày xưa, người ta tổ chức có phần cầu kì hơn. Cha mẹ chàng trai chọn nhờ một người phụ nữ trong Sróc là người đã có gia đình, có cuộc sống hạnh phúc, có đức hạnh cao đẹp đến nhà để gặp cha mẹ cô gái hỏi ý. Người mai mối phải nói lời dễ nghe với cha mẹ cô dâu: “Đây thực sự làm Chhay-Phum (tạm dịch phum giàu đẹp) xinh đẹp, hoa cỏ xanh tươi nên có người muốn đến đây gửi thân, muốn thành than sống trên mảnh đất trù phú này”. Khi nghe những lời nói đó, Cha mẹ cô gái đáp lại: “Cô/chị có chuyện gi? Đây là chhay-phum gì? Ngồi xuống đi”. Sau khi ngồi xuống hỏi thăm sức khỏe qua lại, cha mẹ cô con gái hỏi bà mai có việc chi. Bà mai nói rằng: “Xin lỗi, tôi có người nhờ đến đây để thăm dò nhằm nối duyên cùng gia đình chị”. Cha mẹ cô gái hỏi về thân thế, gia tộc bên nhà trai. Xong, cha mẹ cô gái trả lời rằng để hỏi ý kiến người thân trước khi trả lời chính xác cho bà mai. Bà mai sẽ còn qua lại nhà gái nhiều lần cho đến khi hai bên đồng ý đến việc làm lễ nói.
1. Lễ nói.
Sau khi hai bên gia đình thống nhất tổ chức lễ nói, đàn trai chuẩn bị:
Tìm Acha xem ngày lành tháng tốt để cho con trai, con gái họ được hạnh phúc sau này. Báo cho đàn gái biết ngày cụ thể để đàn gái chuẩn bị thông báo, mời họ hàng thân thuộc đến nói chuyện trong buổi lễ. Đàn gái mượn một người phụ nữ có duyên nói chuyện để nói chuyện trong buổi lễ. Và họ cũng thông báo và mời người thân bên nhà trai đến tham dự. Các lễ vật gồm : lễ vật thường là trầu cau, trà, bánh, rau, gạo, thịt,….
Đàng gái cũng chuẩn bị:
Mượn người cao tuổi có hiểu biết về phong tục làm Meba để đối đáp trong khi hành lễ, chỉ bảo những công việc phải làm và cho ý kiến; chuẩn bị thức ăn để đãi khách; cũng mời họ hàng đến dự.
Đến ngày định trước, đàng trai và đàn gái gặp nhau, ông Maha và bà mai đến nói với ông Meba về những đức hạnh tốt đẹp của con trai. Người đại diện đàng gái là Meba yêu cầu được tìm hiểu tính tình con trai và nói: “Để tôi tìm hiểu tính tình cậu ấy lâu hơn, có thật như lời ngài nói hay không”.
Ngày xưa, người ta thực hiện đám nói với ba giai đoạn: Lần thứ nhất: Chỉ có bà mai qua lại để giao tiếp với cha me con gái.
Lần thứ hai: Cho phép hai bên giao tiếp.
Lần thứ ba: Người con trai mới được phép đến ra mắt đàng gái.
Khi đó, bà mai nói: “Nếu ông Meba chấp nhận thì tôi cho con trai qua phụ giúp việc cho gia đình và dành thời gian để Meba nhận xét, kiểm nghiệm có phải giống như lời tôi nói hay không”. Thời gian ở rễ có thể kéo dài từ một đến ba năm nhưng cũng có thể bị trả về nếu họ cảm thấy không hài lòng về chú rể và việc hôn nhân này không được chấp nhận. Sau đó, Ông Meba bàn bạc và hỏi ý kiến cha me, họ hàng con gái. Nếu tất cả thống nhất, Meba cho phép con trai qua phụ giúp công việc nhà cô gái từ một đến
ba năm. Thử thách cuối cùng là cho chàng trai xây nhà ba gian để cho đôi vợ chồng sống trong tương lai. Nếu cha mẹ cô gái vừa ý tất cả, họ cho chàng trai thông báo cho cha mẹ ruột để tiến hành làm lễ hỏi.
2. Lễ hỏi.
Lễ nói xong, sau đó đến lễ hỏi. Trong lễ hỏi của người Khmer cũng có lễ vật như đám nói, nhưng có điểm quan trọng là cha mẹ hai bên phải mời người thân ruột thịt để nhìn nhận cô dâu chú rể. Và vấn đề nạp tài thì có hai phần. Một là phải có một cặp nhẫn gọi là nhẫn lót sữa ( Sa-nop thức-đós ) và số tiền để cô dâu may quần áo mới. Hai là một số tiền trao cho cha mẹ cô dâu gọi là tiền chợ dành mua rau thịt, cơm nước cho hai họ và vật dụng khác. Hành lễ xong ông Maha giới thiệu cô dâu chú rể cho hai họ biết mặt. Hai họ có bao lì xì lại cho cô dâu.
Lễ này gồm có hai cách: si-sa-la thum (đám lớn) hay si-sa-la touch ( đám nhỏ) là tùy khả năng của gia đình đàng trai và sự thống nhất giữa hai gia đình. S-sa-la thum ngưới ta tổ chức khá long trọng, bằng nửa đám cưới. Si-sa-la touch chỉ tổ chức bằng một phần ba đám cưới.
Các công đàn trai phải chuẩn bị như sau:
Tìm Achar chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ và thông báo đến gia đình đàng gái; mượn bà mai và Maha để nói chuyện với đàn gái; chuẩn bị lễ vật cho đàng gái; mời người thân đến dự.
Nghi lễ được thực hiện như sau: Trước tiên, bà mai nói chuyện theo thứ tự. Đàng gái vừa ý thì cho qua. Xong, đàng gái cho bà mai xây nhà một hay hai căn lớn, có thể lợp bằng lá hoặc ngói. Nói đến đây, bà mai xin lui về để ông Maha tiếp tục tiếp chuyện. Ông Maha tự giới thiệu mình với ông Meba về nhiệm vụ của ông trong buổi lễ này và xin phep được nói chuyện tiếp với ông Meba. Sau khi bàn luận xong, Maha chỉ cho ông Meba thấy là mọi điều kiện của ông Meba đã được thực hiện một cách hoàn tất. Hai bên thỏa thuận xong, Maha hỏi Meba lễ vật tổ chức đám cưới. Hai bên thống nhất xong, viết ra giấy thành hai bản. Mỗi người giữ một bản. Maha báo cho nhà trai các mang lễ vật mà nhà gái yêu cầu.
Tiếp theo, Maha nhờ Acha tìm ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới và thông báo cho ông Meba. Bàn bạc xong, ông Meba và ông Maha cho nhà trai và nhà gái biết. (nếu hai nhà có thể tự thảo luận và thống nhất ngày cưới được thì không cần đến ông Maha và Meba, chỉ cần thống nhất ý kiến xong, mời hai ông để làm chứng thôi).
Tiếp theo, đàng trai tiếp tục chuẩn bị các công việc là:
- Mượn Achar pea-lea và bà mai.
- Sắm lễ vật và thực phẩm đãi khách.
Và mời khách.
Đàng gái cũng phải chuẩn bị:
- Mượn Meba, Achar knhe và bà knhe.
- Chuẩn bị thức ăn tiếp đãi khách, họ hàng.
- Tìm người trang điểm cô dâu.
- Dọp dẹp lại nhà cửa.
Trước hoặc sau si-sa-la, ông Meba hay nói: “nếu ông Maha có thể, ông cứ qua lại” cho đến xong lễ cưới. Ngày xưa, sau khi si-sa-la, con trai và con gái chỉ có quyền nói chuyện qua lại với nhau, con trai không được nắm tay con gái. Nếu bị bắt, đàng gái sẽ chấm dứt mối quan hệ.
(Xong phần lễ hỏi)
3. Lễ Cưới.
Lễ cưới của người Khmer mang đậm đà tính dân tộc, vẫn lưu giữ được truyền thống xưa. Họ luôn khuyến khích những hôn nhân trong họ hàng ( trừ anh chị em ruột ) đều có thể kết hôn với mục đích là đảm bảo được sự thủy chung, tình yêu son sắt của đôi vợ chồng và mặt khác là họ muốn giữ của cải không cho thất thoát ra ngoài. Theo quan niệm của người xưa thì gái lớn lấy chồng, trai lớn lấy vợ cho nên khi con cái của họ lớn thì họ khuyến khích cho kết hôn. Ngày xưa vừa 15-16 tuổi người ta có thể cưới, nhưng ngày nay tuổi lấy vợ lấy chồng đã cao hơn. Tuy bề ngoài tuổi tác lớn nhỏ là không quan trọng nhưng ngược lại người Khmer rất quan trọng chuyện hợp tuổi, khi con của họ quen một người nào đó họ thường hỏi tuổi tác, con cái nhà ai? Khi biết được tuổi tác họ đi cho ông Acha xem nếu ông Acha tốt thì được, nói xấu thì họ dứt khoát không cho đám cưới, đôi trai gái đó muốn ở chung thì phải trốn đi nơi khác chung sống với nhau nhưng sẽ bị cười chê, phê bình của xã hội.
Lễ cưới của người Khmer được tổ chức vào mùa khô ráo, thường là trước "Chôl chnam thmây" ( vào năm mới ), sau khi làm xong mùa vụ và tuyệt đối không tổ chức vào ba tháng "vossa" ( 3 tháng nhập hạ ) của các vị sư.
Các nghi lễ chính của lễ cưới được thực hiện bên nhà gái nhưng do đàng trai đứng ra sắp xếp tổ chức, lễ cưới thường được tổ chức trong vòng ba ngày. Tuy nhiên ngày nay có thể đơn giản hơn, thời gian tổ chức có thể đơn giản hơn và có thể được tổ chức đãi khách cả hai bên, cả đàng gái lẫn đàng trai.
3.1 Nguồn gốc của cưới hỏi.
Phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc Khmer nói chung đều được lưu truyền từ rất lâu đời, trãi qua bao thế hệ. Thông thường khi nói đến cưới hỏi thì thương người ta theo ba phong tục có nguồn gốc từ những câu truyện kể khác nhau.
Phong tục cưới hỏi có nguồn gốc từ truyện "Preas Thông - Neang Neak", truyện "Preas Ream và Seda" và truyện vua "Preas Vessondor cưới hai cháu Kros-sna và Chialy”.
Phong tục cưới hỏi người Khmer đã xuất hiện rất lâu đời theo ông Mon Pun-na thì “xã hội tổ chức lễ cưới từ khi con người biết tôn trọng danh dự và làm theo Balamon giáo”.
Nói như vậy phong tục cưới hỏi của người Khmer ngày nay là một nét đẹp văn hóa là một truyền thống tốt đẹp của sự kết hợp hài hòa giữa hai tôn giáo là Bà-la-môn giáo và Phật giáo.
3.2 Nghi lễ.
Lễ cưới của người Khmer có phần quan trọng hơn vì được tổ chức kéo dài đến ba ngày.
Ngày thứ nhất: Chú rể mượn bạn bè sang nhà cô dâu phụ cất rạp, dọn dẹp nhà cửa. Còn cha mẹ chú rể thì mượn hai thanh niên chưa có vợ đi cắt bông cau ( người Khmer gọi là bông vàng bông bạc ) trước khi cắt bông cau thì người ta chuẩn bị một cái mâm đựng bông cau và họ xin người khuất mặt khuất mài giữ gốc cau, sau đó họ mới lên cắt, cắt xong họ để trên “Pean” đem về đặt ở một nơi và một chiếc đèn dầu nhỏ thắp nhang khẩn cầu cho đôi vợ chồng mới cưới trăm năm hạnh phúc. Tuy nhiên hiện nay có những nơi thường tổ chức ngày của đám cưới thì bên đàng trai có nghi thức đi hái hoa cau trong đó có ông Acha và những người lớn trong thân tộc, sau đó đưa về họ nhà gái làm lễ, nhưng có những nơi còn mua hoa cau hoặc tự hái xong rồi mới đem qua đàng gái làm lễ sau.
Ngày thứ hai: Gia đình và thân tộc bên đàn trai làm lễ đưa chú rể đến nhà gái theo sự hướng dẫn của Pelea và hai ông Maha ( Mahatep, Maha montray).
Chuẩn bị các lễ vật đem qua bên đàn gái gồm có những lễ vật như: vịt luộc, đầu heo, rượu, trầu cau, bánh trái, quan trọng nhất là bông cau phải do người chị hoặc người cô của chú rể bưng. Ngày xưa khi đưa chú rể sang nhà cô dâu người ta thường hát một bài hát đại ý như sau:
“Con voi một ngà,
đến gần càng to,
nàng ơi đừng sợ,
đó là voi anh”.
Khi đến nhà cô dâu thì bên đàn trai phải dừng lại trước cổng, đặt lễ vật lên bàn mà bên đàng gái đã bày sẵn được trang trí đẹp đặt ngang, trên có hai có bình hoa vì theo truyền thống thì khi bên đến thì nhà gái lấy một nhánh cây, gai, rào cổng lại tượng trưng cho sự tinh khiết của cô dâu chưa hề giao tiếp với ai bên ngoài. Muốn vào nhà thì ông Maha phải múa mở rào “rom bot robong”. Múa đủ ba điệu múa thì bên nhà gái xách cồng ra đánh một hồi và ông mới vạch nhánh gai ra, chú rể ôm mâm bông, hai chú rể phụ bưng mâm trầu và mâm rượu đứng hai bên, đi vào khi đến của em gái hoặc em trai bưng nước rửa chân cho anh rể hoặc mời anh rể uống trà và mời chú rể lên ngồi trên giường mà nhà trai chuẩn bị sẵn. Lúc này có dàn nhạc đàng trai rước phục vụ, đàn những bản nhạc truyền thống theo yêu cầu của ông Pele.
Đến chiều thì làm lễ cắt tóc cho cô dâu chú rể.
Đưa chú rể đến thắp nhang cho ông bà tổ tiên, xin nhận chú rể là thành viên của gia đình, phum sóc.
Đến tối, họ mời sư xãi đến tụng kinh chúc phúc cho đôi vợ chồng. Cô dâu ngồi đối diện với vị sư còn chú rể thì ngồi bên tay trái ông Acha. Nếu nhà hướng tây thì ông Acha và chú rể ngồi quay mặt về hướng Tây, cô dâu quay hướng Nam, còn các vị sư quay hướng Bắc. Sau khi tụng kinh xong thì cô dâu chú rể ra đãi khách, bạn bè đến khuya có nơi đến 12 giờ đêm người ta còn làm lễ nhuộm răng cho cô dâu “thvơ thming neang neak”, tục này bắt nguồn từ truyền thuyết Pre Thông – Neang neak. Vì là rắn có nhiều nọc độc nên phải phết răng để trị nọc, về sau cả chú rể cũng phải phết răng để trị nọc độc do cô dâu truyền sang.
Ngày thứ ba: Nghi thức cúng Pea-ly:
Sáng thứ ba, ông Maha xin phép thay mặt đàng trai cúng Pealy, ông Acha tìm chỗ cúng thường là trước sân và ở hướng Nam nhà cô gái, nếu trường hợp là không có đất trống, người ta chọn hướng Đông Nam, ông Acha trãi chiếu, vải, gối và các vật cúng khác gồm có bai-say, sla-tho, đèn, cơm, nước, bánh, trái cây, hai con gà luộc và một cái phệ ( vỏ cây chuối được tuốc ra và sắp thành hình vuông có đáy giống như một cái gổi hình vuông ) ba tầng ra trước sân ngồi chờ rước lấy giờ tốt gọi là dốt “pea-ly”. Theo phong tục chọn một trong những giờ tốt sau đây, tùy theo thói quen của từng gia đình: giờ chim bay, giờ thấy được chỉ tay hoặc giờ mặt trời mọc có ánh sáng tốt đẹp. Khi chọn được giờ tốt thì người ta bắt đầu làm lễ lúc này người ta đánh nhạc truyền thống, Krung pea-ly đến thâu nhận vật cúng và chấp nhận chú rể trở thành thành viên trong gia đình cô dâu. Cúng xong, ông Maha lấy phần vật lễ vật đặt vào cái phệ. Người Khmer cho rằng thần Krung pea-ly xuống có mang theo lính. Dàn nhạc tiếp tục bản nhạc dành cho cúng phệ trong khi có hai người khiên đi theo hướng Acha đã chỉ định.
Ngồi lạy ông bà.
Lấy giờ lành xong, ông Maha cho phép chú rể lên vào nhà ngồi lại ông bà, vào đến nhà chú rể đứng trên một hòn đá đã chuẩn bị sẵn lúc này cô đâu bưng nước dừa và khăn đến rửa chân cho chú rể. Theo quan niệm của người Khmer, bất kể họ sinh vào tuổi nào con gái được xem là nước, con trai được xem là đá, đá với nước sống chung rất hòa thuận đầm ấm. Rửa chân cho chú rể xong, cô dâu đi vào buồng, còn chú rể thì lên giường ngồi lạy bông cau và ông bà, cha mẹ.
Trong ngày này ông Pele và ông Maha cùng với trưởng tộc hai bên hành lễ các bước sau: Nhóm họ cắt tóc, cúng cơm ông bà đã khuất, múa rắt hoa cau lên người đôi vợ chồng trên đường từ chỗ ngồi đén buồng tân hôn, múa “mở nắp trầu” tượng trưng cho hai người đẫ thành vợ chồng gọi là “sombotbaysay”.
Kế đến là cha mẹ thân tộc hai bên buộc tay cho cô dâu, chú rể gọi là chịu lạy “chonday” với tiền hoặc vàng và nhận lại ly rượu và miếng trầu của cô dâu chú rể, và chúc họ trăm năm hạnh phúc, lúc này ông Maha làm lễ “rút gươm ra khỏi bao” gọi là “dompope” múa này gắn liền với truyền thuyết xa xưa, tượng trưng cho sức mạnh chính nghĩa thắng gian tà, quyết tâm giành lại hạnh phúc. Sau khi lễ rút gươm là lễ “cholday” xong là đến nghi lễ vào phòng.
Lễ vào phòng ( Phsom domnek )
Sau lễ cột tay, người ta cho đôi vợ chồng trẻ vào buồng tân hôn theo con đường đã rắt hoa cau theo thông lệ thì vợ đi trước, chồng nắm vạt áo ( khăn choàng ) của vợ theo sau. Tục này bắt nguồn từ sự tích Preas Thông cưới công chúa Neak, để đi xuống thủy cung ra mắt vua cha thì hoàng tử phải nắm vạt áo của công chúa, mới đi được xuống dưới thủy cung.
Xong thủ tục ấy, đôi vợ chồng thay y phục ra ngoài chào đón bạn bè, khách đến dự tiệc.
Sau đó là lễ quét chiếu “Bos Kantel”.
Lễ quét chiếu “Bos kantel” khi đó cô dâu và chú rể vào phòng liền có người già theo sau. Người được chọn phải khỏe mạnh và đông con nhiều cháu, người này đem chiếu ra và hỏi “có ai chuộc chiếu không?” chú rể bước ra nhận chiếu, trải ra mời cô dâu và ông Maha cùng ngồi. Ông Maha nghiêm trang dặn dò đôi vợ chồng trẻ phải cư sử tốt với nhau, chung thủy đến trọn đời. Để tỏ lòng cảm ơn ông Maha, cô dâu, chú rể để lên chiếu một lễ vật gì đó thường là tiền để tặng cho ông Pele, ông Maha sau khi cuốn chiếu (sakaltel ).
Lễ chung mùng: (dek song-kot mung)
Nhà gái chọn hai phụ nữ có con đông, gia đình hòa thuận hạnh phúc để trải chiếu cho cô dâu chú rể. Sau đó, họ hàng bày nhang đèn, hoa quả, bánh trái ngay trong phòng để cúng tổ tiên. Rồi một người đem nước dừa cho cô dâu để mời chú rể uống. Khi uống xong, người đó cũng đem nước dừa cho chú rể mời lại cô dâu. Sau đó, họ đem chuối cho cô dâu chú rể cùng đúc cho nhau ăn với ý nghĩa là hành động của sự yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Trước khi bước ra khỏi phòng, hai người phụ nữ còn dặn dò những điều cần thuyết cho đêm tân hôn và khuyên bảo hai người phải yêu thương nhau và đùm bọc lẫn nhau đến trọn đời. Sau khi ăn uống xong, cô dâu chú rể vào mùng. Cô dâu bước vào trước, chú rể bước vào sau.
Ngày xưa, lễ này còn có bốn phụ nữ đông con, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống nằm ngoài bốn gốc mùng của cô dâu chú rể trong ba đêm liền để hướng dẫn cô dâu và chú rể về chuyện vợ chồng (tục lệ này đến nay không còn nữa). Ba ngày sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ mới được người nhà hướng dẫn mang lễ vật (trong đó nhất thuyết phải có hoa cau đến chùa để cúng Phật và cúng dường cho các vị sư để cầu phúc). Sau khi hai người sắm trầu cau, bánh trái để đi thăm hỏi bà con thân tộc hai họ để làm quen và để tạo sự đoàn kết trong gia đình, dòng họ.
Nghi thức động phòng.
Vào khoảng tám đến chín giờ tối, bên nhà gái tổ chức lễ động phòng cho cô dâu, chú rể. Trước hết, người ta mượn hai phụ nữ lớn tuổi, có cưới hỏi theo phong tục, có hiểu biết về cách thức động phòng và cũng là người thân của nhà gái để làm lễ. Đầu tiên, người ta bày các lễ vật như: hai cái bai-say, một mâm cơm, trái cây và một trái dừa tươi để cúng ông bà. Cúng xong, người ta đưa nước dừa cho chú rể uống và cô dâu đem chuối mà ông Acha cho, đúc cho chú rể ăn. Chú rể cũng đúc chuối cho cô dâu ăn. Hành động này thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương lẫn nhau của đôi vợ chồng.
Hai bà dặn dò cô dâu, chú rể những việc cần thiết theo phong tục, truyền thống và cho cô dâu nằm bên trái chú rể nằm bên phải. Xong hai người họ đi ra.
(Xong lễ cưới)
Chương 2. CÁC SỰ TÍCH LIÊN QUAN ĐẾN LỄ CƯỚI
Quan niệm về nghi thức cắt tóc cho cô dâu chú rể.
Tại sao khi làm lễ cưới người ta phải cắt tóc cô dâu chú rể? Người Khmer quan niệm rằng: cắt tóc là việc làm nhằm làm đẹp cho cơ thể, cắt bỏ những ưu phiền và đem lại những điều tốt đẹp.
Có người cho rằng: Tục cắt tóc này có nguồn gốc từ sự ảnh hưởng của đạo Bà là môn giáo của người Khmer. Trong đạo Bà la Môn có lễ San-sa-kar (có nghĩa là làm cho tinh khiết), cắt tóc là một trong những nghi thức trong lễ San-sa-kar. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa là công nhận cho cô dâu chú rể là người đã trưởng thành, có trách nhiệm trong cuộc sống gia đình trong tương lai. Nó cũng là lời chúc may mắn, tốt đẹp cho đôi vợ chồng.
Trong lễ cưới, có tất cả 12 nghi lễ. Sau này, người ta lượt bớt một số nghi lễ không cần, không phù hợp với xã hội thực tại.
Nghi thức quay nến xung quanh cô dâu, chú rể .
Trong nghi thức làm lễ cưới, có nghi thức quay nến xung quanh cô dâu, chú rể. Nghi thức này có sự tích sau:
Có một hoàng tử tên là Preas-Chhay-Soreyya Reach-Ko-Ma ở nước Kay-la-to-chhum xin từ giã vua cha và hoàng hậu đi học phép thuật ở ông Ây-so ở núi Kay-las. Sau khi học xong, ông Ây-so đã truyền nước thánh vào miệng hoàng tử để cho hoàng tử có sức mạnh như voi. Xong, hoàng tử xin phép thầy trở về hoàng cung. Trước khi về, hoàng tử đã tỏ lòng cảm ơn và xin thầy một vật gì đó để làm vật kỉ niệm và cũng là để dành cưới vợ. Ông Ây-so đã chúc phúc cho hoàng tử và đem hạt cát từ núi ngoài vụ trụ biến thành lá bồ đề vàng tượng trưng cho Yu-ni của nàng O-ma và biến đá quí của núi Hy-ma-lay-a thành nến ngọc tượng trưng cho Ongk-cheat của ngài cho hoàng tử và đạt tên là Po-Pit-rot để dành quay xung quanh cô dâu chú rể nhằm đem lại hạnh phúc thực sự cho đôi vợ chồng. Sau này, người ta thay Ongk-cheat bằng nến và phong tục được lưu truyền từ đó. 

Bánh Ansom và bánh khom trong cưới hỏi.
Trong lễ cưới của người Khmer, bánh Ansom và bánh khom là hai loại bánh rất quan trọng. Nguời ta cho rằng: bánh Ansom tượng trưng cho linga của ông Âysô và bánh khom tượng trung cho yuni của bà Oma. Họ ngụ rằng linga của ông Ấy-so và yuni của bà Oma là những vật sinh ra con người trên thế gian này. Người ta còn có tín ngưỡng rằng bánh Ansom và bánh khom không được đem đi nướng, nếu không đôi vợ chồng mới cưới này sẽ không có con hoặc không có được hạnh phúc.

Ở trên- ở dưới.
Khi thực hiên nghi lễ trong lễ cưới, Achar thường sử dụng từ ở trên ở dưới. Ở trên có ý nói đàng gái vì trong khi làm lễ, cô dâu ở nhà trên. Ở dưới có ý nói đàng trai vì trong khi làm lễ, chú rể ở trong rạp cưới hoặc ở dưới đất.
Lời chúc phúc cho cô dâu chú rể
Trong khi cô dâu chú rể ngồi lạy ông bà, tổ tiên. Ông bà chúc phúc cho họ bằng câu: “Thuc ongk-om-pong –chhay”. Đó là lời chúc hạnh phúc tốt đẹp nhất dành cho đôi vợ chồng mới. Lới chúc này liên quan đến tín ngưỡng Bà-la-môn giáo của người khmer thờ linga ông Ây-sô.
Mỗi năm, người Khmer thường làm lễ rửa tội bằng cách xuống sông Kong-kea múc nước tưới lên "linga" của ông Ây-sô rồi hứng nước đó đem về rửa mặt hoặc tắm. Người ta tin rằng làm như thế sẽ đem lại điều tốt đẹp. Họ gọi lễ này là Se-va-reat-trây. Nên “Thuc-ongk là nước linga của ông Ây-sô còn Om-pong-chhay là nước yuni của bà Oma.
Sự tích Krung Pea-ly.
Ngày xưa, khi đức Phật còn là kiếp vua của các loài khỉ đen, Krung Pea-Ly còn là vua của các con khỉ trắng. Mỗi người ở một nơi, tính tình không hợp nhau, các con khỉ đen và con khỉ trắng hay cắn xé sống chết lẫn nhau. Một hôm, đàn khỉ đen đến gặp vua của mình xin được giải quyết. Vua khỉ đen gặp đàn khỉ trắng hỏi tìm chủ của chúng. Đàn khỉ trắng trả lời rằng chúng có chủ nhưng chưa bao giờ thấy. Vua khỉ đen hứa giải quyết xong vụ này. Xong, vua khỉ đen cầu nguyện xin được bay lên không trung . Câu cầu nguyện của vua khỉ đen được như ý. Các con khỉ trắng trên đất nhìn thấy trên trời có một con khỉ đen to lớn không biết từ đâu bay đến, hoảng sợ, liền chạy tìm vua của mình. Chúng sợ rằng đàn khỉ trắng sẽ nhập vào đàn khỉ đen. Vua khỉ trắng được báo tin, rất giận, nhảy qua, nhảy lại và nói rằng: “Ở đây, ta là người thống trị. Bây giờ ai mà có gan lớn thế?. Nó ỷ nó biết đến đe dọa và chiếm lấy quân của ta theo ý muốn của nó được sao?”. Trong khi vua khỉ trắng đang tức giận, có quân đến báo là có vua khỉ đen ở đáy biển bên kia muốn gặp vua khỉ trắng với ý tốt, xin vua đứng bắt tội. Nghe thế, vua khỉ trắng nguôi giận và đồng ý gặp vua khỉ đen. Hai vua khỉ gặp nhau và đối xử tôn trọng lẫn nhau theo hình thức của thú vật. Hai vua khỉ kết nghĩa an hem và thề đời đời, kiếp kiếp giúp đỡ, chia sẻ vui buồn lẫn nhau. Vua khỉ đen giảng cho vua khỉ trắng nghe về tình bạn. Vua khỉ trắng rất phục vua khỉ đen và dặn nếu một ngày nào đó vua khỉ đen đắc đạo thành Phật cũng phải giúp đỡ bạn.
Kiếp sau, vua khỉ đen là vị Bồ Tát Sa-dhat, vua khỉ trắng Krung Pea-ly ngự trên ngai vàng, là vua của thế gian, thân hình của ngài một nửa là người, một nữa là thú vật ( mặc quần áo như con người nhưng tay chân và đuôi giống như vua khỉ trắng). Krung Pea-ly rất tự cao, dựa .vào uy lực của mình, xâm chiếm và thống trị cả châu lục. Ngoài ra, Krung Pea-ly có tất cả là sáu hoàng tử và một cô công chúa út tên là Tha-va-tay. Nhà vua chia Chum-pu-thvip và mười sáu nước,ngay cả Ka-bol-pos cho cô công chúa Tha-va-tay, và gã cho long vương tên là Cham-pu-bap-kas. Khi Sa-ma-nas-ko-dom đắc đạo, ngài đi khắp thế gian để phộ độ cho chúng sinh. Các giáo dân của Bà la môn giáo bỏ đạo của mình đi theo Phật giáo,việc cúng dường cho Sa-ma-nas-ko-dom, nhà vua Cham-pu-bap-pos biết được, rất giận dữ và nói rằng: “ Sa-ma-nas-ko-dom rất tham lam. Tất cả đất nước này là của ta. Bây giờ, họ đi tuyên truyền và lấy đất của ta”. Nói xong,Cham-pu-bap-kas định đem quân đi đánh với Phật, nhưng nàng Tha-va-tay đã ngăn lại và nói rằng để nàng đi báo lại với cha nàng trước đã vì đất nước này là của vua cha chia cho. Hai vợ chồng đến báo với Krung-pea-ly. Krung Pea-ly rất tức giận và định đi trị tội Sa-ma-nas-ko-dom. Phật biết được mọi chuyện và ý định của Krung Pea-ly. Kiếp trước, ngài đã hứa với bạn mình là sẽ giúp đỡ bạn nên ngài đã biến trái đất co lại. Ngài ngồi trên bờ biển đợi Krung Pea-ly. Khi nhìn thấy đức phật, Krung Pea-ly quên hết mọi hận thù và ngưỡng mộ đức Phật vì ngoại hình đẹp và lời nói dịu dàng. Krung Pea-ly đứng ngây người một lúc mới hỏi Phật: “ Tại sao ngài lại đi tuyên truyền và lấy giáo dân và chiếm đất của tôi?”. Phật đáp rằng: “Ta không muốn lấy đất nước đó làm gì. Ta cũng là con của vua thống trị nhiều nước, nếu như ta cần, ta ,không từ giã ngôi vàng để đi tu như thế này. Nhưng nhiệm vụ của ta là phộ độ chúng sinh thoát khỏi nạn kiếp thôi”. Xong, Phật kể lại cho Krung Pea-ly nghe chuyện kiếp trước của ngài và Krung Pea-ly khi hai người còn là vua khỉ đen và vua của loài khỉ trắng, cho đến bây giờ, ngài vẫn giữ lời hứa đó.
Nghe xong chuyện,Krung Pea-ly nhớ lại, bật khóc, chấp tay lại Phật xin lỗi và xin ngài cho mình được sống cùng Phật. Hai người con của Krung Pea-ly cũng quỳ xuống lạy theo. Krung Pea-ly vẫn khóc và xin tu với Phật. Nhưng Phật không cho vì thân của Krung Pea-ly còn một phần là thú vật. Ngài chỉ giúp cho Krung Pea-ly giữ Ngũ giới để cải thiện kiếp tiếp theo để được tu với đứcPhật, Từ đó, Phật thong báo cho các thiện nam, tín nữ trước khi ,tổ chức nghi lễ gì đều phải cúng thần Krung Pea-ly để cầu hướng, giải nạn cho Thần sớm được thành người để được tu với đức Phật. Từ đó về sau, người Khmer có tục cúng Thần Krung Pea-ly cho đến nay.
Ý nghĩa hoa cau trong lễ cưới của người Khmer.
Ông acha chuẩn bị hoa cau cho cô dâu chú rể ngồi lạy ông bà cha mẹ trong ngày lễ thành hôn. Hoa cau được buộc lại thành ba bó. Bó thứ nhất để tạ ơn công ơn cha (21 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 21 miếng cau và trầu). Bó thứ hai để tạ ơn công ơn mẹ
(12 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 12 miếng cau và trầu). Bó thứ ba để tạ ơn công ơn anh chị (6 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 6 miếng cau và trầu).
Sự Tích Hoa Cau
Ngày xưa, có bốn thanh niên ở xứ Ta–kas–say–la đi tìm học phép thuật với a-cha. Bốn người, mỗi người học một kĩ năng. Người thứ nhất học bói toán, người thứ hai học bắn cung, người thứ ba học lặn nước, người thứ tư học cứu người chết sống lại. Tất cả đều học rất giỏi. Học xong, tất cả xin từ giả thầy về nhà.
Trên đường về, người thứ nhất giỏi về bói toán thông báo với ba người còn lại rằng một lát nữa sẽ có một con chim đại bàng tha một cô công chúa bay ngang qua đây. Người thứ nhất vừa dứt lời, quả nhiên có một con chim đại bàng bay qua thật. Chàng thanh niên thứ hai giỏi về bắn cung giương cung bắn trúng cánh đại bàng. Đại bàng bị thương, thả công chúa xuống. Công chúa bị rơi xuống biển. Chàng trai thứ ba nhảy xuống biển cứu vớt công chúa lên. Khi đưa công chúa lên đến bờ, thì công chúa đã chết. Người thứ tư giỏi về cứu người chêt sống lại sử dụng những gì học được cứu công chúa. Một lát sau, công chúa sống lại, nhưng xãy ra mâu thuẩn giữa bốn chàng thanh niên này khi nhà vua có ý định gã công chúa cho một trong bốn người có công cứu công chúa. Cả bốn người, ai cũng giành công lớn về mình. Cuối cùng nhà vua quyết định gã công chúa cho chàng trai là người biết bơi lội vì chàng trai đã chạm tay vào công chúa khi lặn xuông nước cứu công chúa lên. Riêng ba người còn lại được xem như là thân nhân của công chúa. Người thứ nhất, biết bói toán được xem như là cha; người thứ tư, biết cứu người chết sống lại, là mẹ; người thứ ba, biết bắn cung, là anh. Nhà vua cho làm lễ kết hôn và chuẩn bị ba bó hoa cau do chú rể tìm được: bó thứ nhất dành cho cha, bó thứ hai dành cho mẹ, bó thứ ba dàng cho anh.
Từ đó về sau, hoa cau là vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Khmer và trở thành phong tục cho đến nay.
Nhạc Cưới Của Người Khmer
Trong lễ cưới của người Khmer, nhạc cũng là thư không thể thiếu. Đó là nét văn hóa đặc trương trong văn hóa Khmer. Tất cả các bản nhạc dành cho lễ cưới đều có liên quan đến một truyện cổ tích của người Khmer. Mỗi bản nhạc khác nhau dành cho một hoạt động khác nhau. Ví dụ nư bản Ktho, bản Knorng- pnum , bản Ro- bong- meas, …để dành cho hoạt động tiếp khách buổi trưa, bản nhạc liên quan đến Preas- Thông , neang Neak được gọi là bản Preas Thông,neang Neak người ta đánh lúc cô dâu, chú rể ngồi lạy ông bà,…
Nhạc cưới thể hiện lòng nhớ ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Nó nhắc nhở con cháu nhớ và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Nó còn là những cung nhạc nói lên tình yêu chung thủy, sắc son của cô dâu chú rể. Ngoài ra, nò còn là những lời dạy đôi vợ chồng trẻ về nhiệm vụ của người vợ người chồng, người mẹ, người cha trong tương lai.
Sự tích có liên quan đến múa cuốn chiếu và múa cầm đao.
Ngày xưa, có một vị quan tên là Pea-rean-say được vua sai đi xem tình hình thần dân và dẹp loạn ở cá quận, huyện và các vùng sâu. Đến một vùng nọ, có một gia đình nọ có một cô con gái đã đến tuổi trưởng thành rất xinh đẹp, xinh đẹp nhất vùng. Thấy cô gái, Pea-rean-say muốn cưới nàng làm vợ và đã tìm đến tận nhà nàng. Cha mẹ cô gái thấy có quan lớn đến nhà thì họ đón tiếp rất chu đáo. Khi biết được ý định của quan, cha mẹ cô gái rất vui lòng đồng ý. Pea-rean-say hứa rằng ba tháng sau sẽ quay trở lại cưới nàng vì hiện tại ngài đang thi hành công việc. Vì công việc quá nhiều, ba tháng của Pea-rean-say thành ba năm mà vẫn không thấy quay trở lại.
Có một chàng trai chung xóm với cô gái, vì duyên nợ kiếp trước nên cũng đã đem lòng yêu cô gái đến nỗi cơm quên ăn, nước quên uống, đêm quên ngủ, đêm gày mơ tưởng đến cô gái. Cha mẹ của chàng trai rất lo, hỏi thăm mới biết chuyện. Cha mẹ chàng trai khuyên con vì cô gái ấy đã có hôn ước rồi, mà người có hôn ước với cô gái lại là quan lớn. Dù cha mẹ có khuyên đến đâu, chàng trai vẫn không nghe. Chàng cho rằng quan chỉ hứa có ba tháng mà bây giờ đã hơn ba năm, là quan thất hứa, là lỗi của quan. Chàng còn dọa sẽ chết nếu không được nàng làm vợ. Cha mẹ chàng trai rất lo sợ khi nghe con nói như thế nên đã liều lĩnh đến nhà cô gái. Cha me cô gái kể cho cha mẹ chàng trai nghe đầu đuôi câu chuyện. Họ cho rằng vị quan ấy đã quên con gái của mình rồi. trong khi, cô gái mình tuổi càng ngày càng lớn. Cuối cùng, họ đã đồng ý gã con gái của mình cho chàng trai, chia của cải và cho hai người đi sống ở một nơi thật xa. Họ có ý định nếu quan có quay lại tìm cô gái thì họ bảo rằng cô gái đã đi theo trai và họ cũng không biết cô đã đi đâu. Nếu quan có bắt tội thì họ chỉ biết van xin vì họ đã già rồi.
Về phần quan Pea-rean-say, không hiểu sao trong lòng không yên, nên ngài đã đến xin vua cho đi xem tình hình cuộc sống thần dân. Được nhà vua cho phép, Pea-rean-say đem quân đến thẳng nhà cô gái. Đi đến làng của cô gái, thấy trong làng tổ chức tiệc linh đình, Pea-rean-say hỏi người dân trong làng rằng họ đang tổ chức gì mà linh đình thế. Người dân cho biết rằng cô gái hứa hôn với ngài đang làm lễ cưới với chàng trai trong vùng và bây giờ họ đang ngồi lại ông bà ở trên nhà. Pea-rean-say nghe xong rất giận dữ. Ngài đã chạy thẳng lên nhà, và nắm tay cô gái kéo ra và rút đao đâm chàng trai là chú rể chết tại chổ. Máu chàng trai chảy ra đầy chiếu và sàn nhà. Người đến dự lễ thấy thế, hoảng sợ, họ bỏ về hết. Pea-rean-say dưa cô dâu đến chỗ hành lễ. Cha mẹ cô gái rất hoảng sợ. Họ đã mời acha đến làm phép, giũ nước thần đề đuổi hồn ma chàng trai và cuốn chiếu dính máu bỏ đi. Sau đó, có ba ông acha là bậc trưởng lão trong làng cho rằng đao là vật để giành chiến thắng từ kẻ thù nhanh nhất như quan Pea-rean-say đã giành cô gái từ tay chàng trai trong lễ cưới vậy. Đó cũng nhờ vào thần đao.
Từ đó về sau, khi làm lễ cưới, trước khi ngồi lạy ông bà, người ta không cho dời chiếu, mà để cho làm phép đuổi tà ma,đuổi hết những điều không may mắn đi. Dần dần trong cộng đồng người dân Khmer hình thành tục múa cuốn chiếu và múa cầm đao. Phong tục đó vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Sự tích liên quan đến việc chú rể nắm vào vạt áo của cô dâu đi vào phong cô dâu.
Vào thế kỉ thứ nhất sau công nguyên, xảy ra chiến tranh giữa vua Môn tên là Preas Thông và vua ChamPa. Sau khi chiến thắng vua ChamPa, vị vua tên là Preas Thông không hiểu sao vẫn cảm thấy không vui, cảm thấy khó chịu trong người Ngài ra biển dạo chơi. Lúc Ngài đi, nước rút xuống nên Ngài đi ra khá xa. Sau đó, nước dâng lên cao, Ngài đã trụ lại nơi cồn đất cao để đợi đến nước rút xuống để trở về hoàng cung. Hướng tây, mặt trời bắt đầu lặn xuống. Đêm đó là đêm có trăng. Ánh trăng chiếu xuống mặt nước đẹp lung linh vì đêm đó là đêm rằm tháng tư âm lịch. Tất cả binh lính theo hầu Ngài đã ngủ mê man, chỉ riêng Ngài là không ngủ được.
Ở đáy biển, cô con gai của Long Vương cũng ở không yên. Nàng cũng xin vua cha lên dạo chơi, nàng dẫn theo một trăm tùy tùng lên chơi. Đến nơi thấy binh lính của nhà vua đang nằm ngủ, cô tưởng rằng ma quỷ, liền đưa tay lên niệm chú và cầu nguyện rằng nếu là ma quỷ xin hãy biến mất, nếu là con người thì cứ giữ nguyên hình. Niệm xong, họ không biến đổi hình dạng, cô công chúa mới tin đó là người. Xong, Nàng bảo tùy tùng của nàng biến thành người và dạo chơi trên cồn như các bậc vua chúa bình thường. Riêng vua Preas Thông nghe tiếng xì xầm lúc gần lúc xa. Ngài cố nhìn cho rõ qua ánh trăng mờ mờ thì thấy một đám người toàn là con gái. Vừa mừng vừa lo vì một phần nghĩ rằng đó là thần nước hay ma quỷ đến quấy phá mình. Ngài đành liều một phen vì nghĩ mình cũng vua thống trị một nước. Đến gần, Ngài nói với công chúa rằng: “Xin hỏi nàng là thiên nga hay thần nước? xin nàng đừng bắt lỗi tôi. Tôi cũng là vua của vùng đất này.” Công chúa đáp: “Tôi không phải là thiên nga. Tôi là con Long vương lên đây dạo chơi thôi.” Do duyên nợ từ kiếp trước, nhà vua đem lòng yêu công chúa từ lúc đó. Nhà vua xin hỏi nàng làm vợ. Công chúa xin nhà vua trở về Long cung xin phép vua cha trước khi đồng ý vì nàng không giám làm sai phong tục của ông bà. Nếu vua cha cho phép, cha nàng sẽ đưa nàng lên cho vua Preas Thông. Biết nhà vua sợ nàng đi không quay lại nên nàng đã đưa cho chàng một miếng trầu làm tin. Về đến Long cung, nàng tâu với vua cha việc nàng đã gặp Preas Thông và ý định của Preas Thông. Long vương đã đồng ý và sai quan lính hộ tống công chúa cùng các lễ vật lên cho Preas Thông. Long vương đứng ra chủ trì tổ chức lễ cưới cho nhà vua và công chúa tại hoàng cung của Preas Thông một cách linh đình. Xong, đến lược họ phải tổ chức một lần nữa tại Long cung. Đến đây, vua Thông rất lo lắng vì Ngài không thể xuống nước như công chúa và Long vương được. Thấy chồng mình lo lắng, công chúa hỏi và nhà vua nói về nổi lo của mình cho công chúa biết. Công chúa xin vua đừng lo và bảo nắm vạt áo của nàng khi xuống Long cung là được. Đến lúc phải xuống Long cung, nhà vua nắm vạt áo công chúa và xuống được Long cung như công chúa.
Từ sự tích trên, Khi vào buồng cô dâu chú rể phải nắm vạt áo của cô dâu là vì vậy.
Thay lời cuối
Qua đôi nét tìm hiểu phong tục, lễ hội, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer nói chung và lễ cưới nói riêng. Chúng tôi đã được học hỏi và mở mang được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báo. Đó không chỉ đơn thuần là mỗi con người Khmer phải biết mà còn phải nắm vững và hiểu biết sâu sắc. Nếu có một ai đó hỏi chúng tôi tại sao lại có “hoa cau ?” múa cuốn chiếu, múa rút gươm? Tại sao trong lễ cưới có nghi thức cúng Krung Pea-ly? chúng tôi không đảm bảo là sẽ trả lời mạch lạc và đầy đủ ý nghĩa nhất nhưng chúng tôi có thể giải thích được ý nghĩa nguồn gốc, ý nghĩa của từng nghi thức. Mỗi nghi thức được thực hiện trong lễ cưới hỏi đều mang một nét văn hóa đặc trưng của của dân tộc mình. Đó là điều tất nhiên theo quy luật của tự nhiên nhưng việc cố gắng học hỏi của chúng tôi, những người con Khmer yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự tận tình hương dẫn của thầy Thạch Om đã không ngại khó khăn lên giảng dạy cho chúng tôi bằng tất cả tấm long. Một lần nữa chúng tôi đại diện cho tất cả con em dân tộc Khmer xin cảm ơn thầy đã châm thêm ngọn lửa yêu văn hóa, yêu dân tộc trong trái tim mập mờ của chúng tôi được bập bùng sáng lên.
Tài liệu tham khảo:
1. Sơn Phước Hoan- Sơn Ngọc Sang- Danh Sên.1997. Các Lễ Hội Truyền Thống Của Đồng Bào Khmer Nam Bộ . Nhà xuất bản Giáo Dục.
2. Huỳnh Ngọc Trảng- Văn Xuân Trí- Hoàng Túc- Đặng Vũ Thị Thảo- Phan Thị Yến Tuyết. 1987. Người Khơ-Me Tỉnh Cửa Long. Sở Văn Hóa – Thông Tin Cửu Long xuất bản.
3. Trang web:
1. www.google.com
2. www.vanhoahoc.edu.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bảng chữ cái Khmer

Xe khách

Chùa Mỹ Văn