Senl Đôlta Của Dân Tộc Khmer Nam Bộ
Senl Đôlta là lễ Cúng ông bà của dân tộc Khmer Nam bộ được tổ chức vào tháng 9 âm lịch (tháng 10 dương lịch). Theo truyền thống:
Dân tộc Khmer xưa không có thói quen tổ chức ngày giỗ hàng năm vào ngày mất của người quá cố trong thân tộc như dân tộc Kinh, dân tộc Hoa, mà việc đền ơn đáp nghĩa, báo hiếu tổ tiên, người dưỡng dục sinh thành đều tập trung tế lễ trong 03 ngày từ ngày 29 tháng 08 đến ngày mùng 1 tháng 09 âm lịch. Trong ngày này người Khmer gọi là Pithi Senl Đôlta (lễ cúng tổ tiên).
Ba ngày lễ mang 3 ý nghĩa khác nhau: ngày thứ nhất là ngày nghênh tiếp tổ tiên, ngày thứ 2 là ngày lưu giữ tổ tiên, ngày thứ 3 là ngày đưa tiễn tổ tiên; cả 3 ngày này đều được tổ chức rất linh đình, ngày nào cũng tế lễ tụng kinh cầu siêu cầu phước cho những linh hồn đã quá cố.
Ngày thứ nhất :đây là ngày quan trọng nhất trong Pithi Senl Đôlta , các thành viên trong gia đình phải có mặt đầy đủ tiếp đón vong linh quá cố trong thân tộc.Việc làm đầu tiên của họ là dọn dẹp bàn thờ Phật cho tươm tất sạch sẽ, trang trí bàn thờ với cành hoa thanh khuyết, nhà nào có bàn thờ tổ tiên cũng trang hoàng, bày trí trang trọng. Tiếp đến là trải chiếu mới lên giường đồng thời sắp đặt mùng mền, gối mới và một bộ quần áo mới lên chiếu cùng trà với rượu, bánh trái tùy theo mỗi gia đình. Một mâm cơm đặt lên bàn thờ, đây là thời khắc trang trọng, mọi người trong gia đình tụ tập lại để cúng tế, thường khi họ đốt nhang đèn và đơm cơm 4 bát, mỗi bát có đôi đũa để bên cạnh. Những người trong nhà vây quanh khấn vái, mời tổ tiên và những người đã mất về dùng. Suốt thời gian cúng cơm, họ khấn vái 3 lần, mỗi lần đều có dâng trà và rượu. Đến hết chung trà, rượu thứ 3 thì xong lễ, mọi người mời vong linh tổ tiên nghỉ ngơi trên chiếc giường đã bố trí sẵn mới dọn dẹp bàn thờ.
Theo thông lệ, trước khi dọn dẹp, chủ nhà lấy một cái bát sạch gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào bát, đổ trà và rượu vào đó rồi đem ra để phía trước sân, cắm một cây nhang để mời vong hồn. Theo lòng tin của người Khmer thì đây là những vong hồn làm nhiệm vụ "bảo hộ" tổ tiên của họ về nhà và những vong hồn này sẽ ở lại nhà họ suốt 3 ngày lễ, sau đó sẽ đưa tổ tiên của họ về chốn cũ, vì vậy bất cứ bữa cúng cơm nào cho tổ tiên cũng phải hiến cho các vong hồn này một phần thức ăn.
Đến chiều lại dọn cơm cúng tổ tiên thêm một lần nữa, cũng trà rượu ba lần như mời tổ tiên buổi sáng. Nhưng xong lễ cúng, "mời" tổ tiên vào chùa cùng họ để nghe kinh do chư tăng tụng niệm. Đối với người Khmer, người sống nghe kinh sẽ được phúc báo, linh hồn nghe kinh sẽ được chống vãng sinh. Sau khi nghe kinh xong sẽ "mời" tổ tiên đi xem múa hát,....Sau đó mỗi gia đình cử một vài người về coi nhà, còn phần lớn ở lại chùa.
Ngày thứ hai: trọn một ngày từ sáng đến xế chiều hầu hết mọi người trong các phum sróc đều đến chùa để vui chơi cùng tổ tiên của họ; ngôi chùa gần như là ngôi nhà chung, tất cả các cuộc vui chơi ăn uống, giao lưu - các thứ sinh hoạt giải trí đều diễn ra tại chùa. Đến chiều mọi người lại mời tổ tiên về nhà “dùng” bữa cơm chiều và cũng như các buổi cơm trước, sau cúng cơm chủ nhà và con cháu mời tổ tiên nghỉ ngơi: đặc biệt người Khmer tin rằng, đêm nay tổ tiên sẽ ở nhà cùng với con cháu.
Ngày thứ ba: ngay từ sáng sớm, mỗi gia đình đều chuẩn bị sẵn nhang đèn và mâm cơm để tiển đưa tổ tiên của mình về “nhà”. Con cháu có mặt đầy đủ, chủ nhà đại diện xới cơm mời, khấn vái ba lần và trà, rượu, cơm nước, thức ăn được để vào một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối để tổ tiên và các quân gia ăn trên đường về. Chiếc thuyền này làm rất công phu, thường thì mỗi chiếc thuyền đều có khắc hình cá sấu giống như thật để chống các thủy tộc và trên thuyền có cắm lá cờ hình tam giác để trừ ma, yếm quỷ đến quấy phá. Sau khi chất chứa thức ăn đày đủ, chiếc thuyền chuối được đem thả trên sông rạch gần nhà, con cháu nhẹ nhẹ đẩy thuyền xuôi dòng và chúc tổ tiên bình an về chổ cũ. Sau đó họ trở về nhà tiếp tục vui chơi ăn uống cho đến hết ngày hôm đó. Trong lễ tiễn đưa này cũng có một số gia đình mời sư sãi đến tụng kinh để cầu phước cho tổ tiên.
Pithi Senl Đôlta hiện nay đã có thay đổi ít nhiều cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình và xã hội, nhưng cũng chỉ thêm bớt một vài chi tiết nhỏ, còn cái chung thì người Khmer vẫn giữ được truyền thống cổ xưa.
Nhận xét
Đăng nhận xét