Tín ngưỡng thờ Neakta của dân tộc Khmer Nam bộ


Trà Vinh là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu có diện tích tự nhiên là 2.369 km vuông, dân số hơn một triệu người trong đó người Khmer chiếm 30% hơn 300.000 người. 
Người Khmer đã có mặt trên vùng đất Trà Vinh từ rất lâu đời tuy nhiên không nhiều. Từ thế kỉ X, do biển rút dần, đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có vùng đất Trà Vinh) có những giồng đất lớn được nổi lên trở thành những vùng đất màu mỡ thu hút những nông dân nghèo, những người chống nạn lao dịch nặng nề và sự bốc lột của giai cấp phong kiến Khmer nhất là đế chế Ăngkor, đã rời bỏ quê cha đất tổ xuôi dòng sông Mẹ (sông Mêkong) về miền hạ lưu sinh sống, làn sống di cư này chậm rãi qua nhiều thế kỉ và hình thành vùng môi sinh xã hội mới của người Khmer trên đất Trà Vinh. Trãi qua nhiều thế kỉ sinh sống và phát triển, dân số Khmer ngày càng tăng lên.
Ở Nam bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, trải qua hàng thế kỉ cùng chung sống với các dân tộc anh em như: Kinh, Hoa, Chăm đã có sự giao thoa văn hóa sâu sắc, tác động không ít đến văn hóa của người Khmer. Người Khmer đã tự tiếp nhận vào nền văn hóa truyền thống của mình không ít những yếu tố văn hóa của người Việt, người Hoa từ kiểu nhà ở đến cách ăn mặc và một số tập quán khác như tục thờ cúng tổ tiên ( senl khuop – cúng quay trở lại), tục thờ Quan Công ( Thao Công )(1) . Tuy có sự giao thoa văn hóa sâu sắc nhưng dân tộc Khmer luôn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 
Đạo Phật (phật giáo Nam Tông) từ lâu đã được xem là chính giáo, tôn giáo toàn dân của dân tộc Khmer, chi phối và điều khiển mọi sinh hoạt tinh thần của mỗi người dân Khmer. Song, thực tế trong đời sống tâm linh của họ không phải Phật – Pháp giải quyết được mọi nhu cầu mà con người đặt ra, cho nên ngoài đạo Phật người Khmer vẫn còn tin ở những lực lượng siêu nhiên thần bí khác. 
Bởi lẽ đức Phật mới chỉ giúp cho họ triết lí sống làm người, còn trong cuộc sống mưu sinh thường ngày, con người dù muốn hay không vẫn cứ phải va chạm với may rủi, được thua thì Phật lại ở rất xa vời. Sự sùng bái các thế lực siêu nhiên thần bí chẳng phải vì lòng thành tín như một tôn giáo, giáo chủ mà hoàn toàn vì lợi ích nhân sinh, nhu cầu tư lợi, tin và cầu xin thần linh, ma quỷ không phá hoại và cầu thần ban phước lành. 
Tín ngưỡng Neakta cũng là một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian của dân tộc Khmer, nhưng ngày nay không còn phổ biến nữa mà chỉ tồn tại như một tàn dư. 
Nếu chúng ta đi vào trong các phum, sróc người Khmer thì ta thường thấy các thala (Sala)- miếu Neakta ở dọc đường hay ngã ba đường, ở gần bến sông, ở gốc vườn dưới tàn cây cổ thụ hay là ở trong khuôn viên chùa, tại Ao bà Om, khóm 3 phường 8 thành phố Trà Vinh có miếu Neakta rất được nhiều người biết và đến đây cầu tài lộ. Vậy Neakta là gì? 
Theo Monod (1983) cho Neakta là “các vị thần đồng áng hay thần ở trong rừng mà người ta phải cầu xin khi có công việc liên quan đến khu vực này”. 
Theo Adhémar Lecclère ( cuối thế kỉ XIX ) cho rằng Neakta là: “ hồn của những người đã chết từ lâu”. 
Theo Moura (1883) cho Neakta là: “những vị thần các cánh đồng hay khu vực mà người ta cầu xin khi có công việc”, và ông còn cho Neakta có nguồn gốc Bàlamôn giáo. (2) 
Những quan niệm của các tác giả trên tuy có chỗ khác nhau nhưng đều cho chúng ta một quan niệm chung thống nhất “ Neakta là vị thần bảo hộ”. 
Người Khmer gọi Neakta nhưng cũng có người gọi là “ Ông tà”, xét về mặt ngữ nghĩa thì Neak có nghĩa là “con người nói chung”, còn “Tà” là “ người đàn ông đứng tuổi, đáng được tôn kính. 
Như vậy, Neakta hiểu một cách sát nghĩa nhất: là vị thần mang hình hài con người và có giới tính nam.(3) Trong tín ngưỡng cổ xưa của người Khmer, Neakta là một vị phúc thần, vị thần bảo hộ. Nhìn chung, tín ngưỡng thờ Neakta của người Khmer có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng của người Việt. Nhưng nếu thần Thành Hoàng chỉ chịu trách nhiệm “ bảo ngã lê dân” trong phạm vi một thôn làng nhất định, thì người Khmer tin rằng trong tất cả các hiện tượng tự nhiên liên quan đến đời sống con người đều được trời đất sắp đặt cho một vị thần Neakta bảo hộ, có nhiệm vụ trừ khử mọi tai ương, trấn áp mọi tà ma, quỷ dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên, no đủ cho con người, cho phum sróc, do đó Neakta có khắp ở mọi nơi từ trong chùa thì có Neakta chùa (Neakta wot) đến các con giồng thì có Neakta giồng (Neakta phnô), ở các cánh đồng có Neakta ruộng (Neakta srê), trong phum sróc thì có Neakta phum, sróc (Neakta kompong).(4) 
 Tín ngưỡng Neakta     Neakta Taxây  ảnh:M.Chánh. ngày 10/3/2011
Miếu Neakta ở Ao Bà Om cũng được dựng lên từ niềm tin Neakta sẽ đem lại điều tốt lành, bình an cho phum sróc. Theo lời kể thì miếu được dựng lên từ rất lâu, khoảng thời gian những năm 1930-1945, thời gian này tín ngưỡng thờ cúng Neakta có nhiều người tin tưởng và thờ cúng và mãi đến giai đoạn sau do chiến tranh và thiên tai thường xuyên xãy ra nên con người càng cần một chỗ dựa tinh thần do đó họ càng đặt niềm tin vào một thế lực siêu nhiên, họ tin rằng các vị thần sẽ bảo hộ họ vượt qua những rủi ro trong cuộc sống, đem lại cho họ được những gì mà họ mong ước, cầu khẩn. Ban đầu miếu được cất lên như một thala đơn sơ bằng vật liệu tre lá để thờ Neakta Tà Xây. 
Điều đặc biệt hình tượng Neakta ở miếu này không giống các miếu Neakta khác là Neakta được tượng trưng bằng những hòn đá nhẵn mà Neakta Taxây được vẽ có hình người rõ ràng, tay trái cầm quạt, tay phải cầm gậy có đầu rắn, hai bên có hai bà: Bà Đen ( Mê Khmau) và Bà Trắng (Mê Sor) đứng trầu. 
Nhưng đến khi đất nước được giải phóng, chính quyền thuộc về ta thì miếu Neakta bị bỏ hoang một thời gian do chính quyền cấm tín ngưỡng, mê tín, mãi cho đến năm 2000, được sự quan tâm của Nhà Nước-bảo tàng tỉnh Trà Vinh, miếu được trùng tu xây dựng lại bằng rạch rất vững chắc có hình dạng như một túp lều có mái nhọn và có tượng rắn Naga ở phía trên trông giống như ngôi chánh điện chùa Khmer thu nhỏ với chiều rộng chừng 1,5m và dày khoảng 2m, ba bên xây thành tường có cửa quay hướng đông. Vào bên trong miếu, Neakta cũng đã được thay đổi, ngày xưa bằng tranh vẽ thì hiện nay là một pho tượng hình một ông lão đang ngồi với khuôn mặt hiền lành, nhân hậu, tay cầm gậy. Ngoài ra, trong miếu còn thờ bà Om - người đã có công đào ao bà Om trong truyền thuyết, phía trước là bàn thờ rất trang nghiêm có bình hoa, ly hương và cốc đựng nước, bánh trái, phía sau có hình vẽ bốn người đàn bà đứng trầu. Theo lời kể của người trông nôm miếu thì hàng ngày có rất nhiều người đến đây khấn vái và cầu xin bình an, cầu tài lộ. 
Hàng ngày, người quản lý miếu phải quét dọn và dâng cúng cho Neakta bánh trái như: bánh tai yến, hai chén cơm rượu, hai ly trà và trái cây như: cam, quýt, táo và thay hoa mới hàng tuần. 
Hàng năm cứ vào khoảng tháng 4 (dương lịch) tức tháng Chôl chnam thmây (vào năm mới) của dân tộc Khmer thì bà con trong phum sróc tổ chức lễ cúng Neakta (lơn Neakta), vào ngày đó bà con Khmer trong phum sróc chuẩn bị lễ cúng gồm đầu heo, một nải chuối, một trái dừa tươi, một chai rượu (5), ngoài nghi lễ cúng Neakta thì bà con và sư sãi nơi đây còn làm lễ cầu siêu, hồi hướng cho đồng bào phật tử Khmer đã khuất. Buổi lễ được tổ chức hai ngày, ngày thứ nhất; nhân dân trong phum sróc đến cất rạp và đến tối thì thỉnh các vị sư đến tụng kinh cầu siêu, ngày thứ hai; buổi sáng thỉnh các vị sư đến độ thực và tụng kinh, đến trưa bà con trong phum sróc đem bánh trái như: chè, bánh xôi nước, hay những món bánh ngọt khác tùy theo người mang đến, mỗi món như vậy là 3 chén đến miếu Neakta. Khi đó có vị Acha đứng ra làm lễ, trước là tạ ơn Neakta đã phù hộ, che chở cho nhân dân được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và sau là khấn vái Neakta phù hộ cho bà con được bình an, mùa màng tốt tươi, không bị dịch hại, không bị thiên tai.Trong khi khấn vái thì vị Acha cầm ly rượu uống một chút và còn lại nữa ly thì đổ rãi trên mặt đất và cắt sớt cúng phẩm mỗi thứ một ít để dâng cho Neakta, mỗi cúng phẩm như vậy vị Acha phải ăn trước một ít để chứng tỏ cúng phẩm đó không có độc. Sau khi cúng, khấn vái xong thì vị Acha đem cúng phẩm mà người dân đem đến đó chia nhau dùng. 
Ngoài lễ cúng Neakta vào tháng tư (dl) hàng năm thì tại miếu Neakta Ao Bà Om còn tổ chức lễ cúng vía. 
Hàng năm cứ đến rằm tháng năm (15/5) thì bà con trong phum sróc tổ chức cúng vía “Ông tà” và “bà Om”. Lễ cúng này nhằm mục đích tưởng nhớ, tạ ơn, cúng vía cho bà Om – người đã có công đào ao trong truyền thuyết và Neakta Taxây là vị thần bảo hộ, đã bảo vệ cho người dân trong phum sróc được bình an, mùa màng được tốt tươi, lễ cúng vía này cũng giống như lễ cúng Neakta, có cúng vật phẩm và thỉnh các vị sư đến tụng kinh siêu độ. 
Nhìn chung, tín ngưỡng Neakta ngày nay không còn phổ biến như trước đây nữa, nhưng niềm tin vào Neakta vẫn còn được rất nhiều người tin tưởng, không chỉ là dân tộc Khmer mà ngay cả dân tộc Kinh, dân tộc Hoa, họ cũng tin vào Neakta, hàng ngày miếu Neakta ở ao bà Om có rất nhiều người đến, từ học sinh, sinh viên đến các chú các bác nông dân, các anh chị cán bộ, từ người Khmer đến người Việt, người Hoa đều tin tưởng và đến đây cầu khẩn, xin được bình an. 
Ngày nay, xã hội tuy có bước phát triển về khoa học kỹ thuật hiện đại và trình độ tri thức của con người cũng được năng cao nhưng trong thực tế con người không thể xóa bỏ được tư tưởng, niềm tin vào một thế lực siêu nhiên thần bí. Người Việt cũng vậy và người Khmer cũng vậy, họ cần có một chỗ dựa tinh thần, họ cần có một người nào đó hoặc một vị thần nào đó sẽ che chở, bảo vệ cho họ và gia đình của họ luôn luôn được bình an. Vì thế tín ngưỡng thờ Neakta của dân tộc Khmer, thờ thần Thành Hoàng của dân tộc Việt cần phải được giữ gìn, bảo tồn, không để cho mai một theo thời gian, giữ vững truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Tài liệu tham khảo: 
Theo lời kể của chú Kim Sang- người quản lý miếu Neakta ở khóm 3 phường 8 thành phố Trà Vinh. 
(1). Bảo tàng tổng hợp.2007. Báo cáo kết quả điều tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa thong tin Trà Vinh. Tr.3-5 
(2). Viện Văn hóa.1987. Người Khmer Cửu Long. Sở Văn hóa thông tin Cửu Long. tr.64 
(3). Bảo tàng tổng hợp.2007. Báo cáo kết quả điều tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa thong tin Trà Vinh. Tr.8 
(4). Viện Văn hóa.1987. Người Khmer Cửu Long. Sở Văn hóa thông tin Cửu Long. 
(5). Thạch Om (biên soạn). Phong tục, tín ngưỡng, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.tr.15 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bảng chữ cái Khmer

Xe khách

Chùa Mỹ Văn