Lễ Dâng y Kathina của dân tộc Khmer Nam bộ

1.  Những qui định trong lễ Dâng y Kathina
Trong đạo Phật, người Khmer rất xem trọng lễ Dâng y Kathina vì nghi lễ này làm theo luật Tạng của Đức Phật. Theo truyền thuyết thì Đức Phật đặt ra lễ này nhằm mục đích cung cấp các vật dụng để phục vụ cho môn đệ các vật dụng sinh hoạt như: y càsa, bình bát,…Lúc đức Phật còn tại thế, có các vị sư đến gặp Ngài nghe thuyết pháp, Ngài thấy các bộ y càsa của các vị sư đã quá cũ và có một số vị thì y casa đã bị rách do phải đi khất thực trãi qua nắng mưa. Từ đó, lễ Dâng y Kathina được hình thành. Đức Phật cho phép tổ chức lễ Dâng y Kathina một lần trong năm (khoảng thời gian 29 ngày kể từ ngày 16 tháng ASếch đến ngày 15 tháng Kađất, tức là từ ngày 16/9 đến 15/10 theo lịch Khmer).  Nếu không được tổ chức trong khoảng thời gian này thì dù hình thức tổ chức có giống như lễ Dâng y Kathina cũng không được gọi là lễ Dâng y Kathina. Tại vì mọi người thường nhằm lẫn giữa lễ Dâng bông và lễ Dâng y Kathina. Trong lễ Dâng y Kathina thì cũng có những cây bông được kết tiền để dâng đến chùa. Nhưng thường những cây bông đó là do thân nhân gia chủ, hoặc các tín đồ trong phum sróc đó tự nguyện làm. Lễ Dâng bông thì nghi thức tổ chức có phần lược giản hơn, nhưng qui mô tổ chức thì có nơi, có lúc lớn hơn lễ dâng y Kathina, và khách mời trong lễ này nhiều hơn, không có giới hạn, chỉ cần có sự quen biết.
Trong ngôi chùa được chọn để tổ chức lễ Dâng y Kathina thì các vị sư phải là tỳ khưu mới được thâu nhận y Kathin, các vị sư Sadi thì không được nhận. Ngoài ra, vị tỳ khưu đó phải trãi qua ba tháng nhập hạ tại ngôi chùa đó mà không qui phạm giới luật nhập hạ với bộ y casa quá cũ thì mới đủ tư cách nhận y, các vị sư ở ngoài không được nhận y Kathin. Các tín đồ, thiện nam, tín nữ có lòng hướng Đạo đều có thể làm lễ này. Vật lễ chính trong Kathina là Tam y (bao gồm Chi – pô là Y vai trái, Song-ka-đây là tăng gia lê và Sa-bong là y nội). Theo luật, người ta chỉ dâng một trong ba thứ vật lễ ấy. Ngoài ra, vật lễ cũng có thêm giường, tủ, ghế, bàn, mùng, mền, chiếu, gối, bình bát, tiền và các vật dụng khác để các vị sư sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Lễ này khác hẳn với các lễ khác trong Phật giáo.
Có năm qui định:
1. Chỉ được tổ chức vào ngày qui định trong năm, tổ chức một lần vào một chùa duy nhất.
2. Vật lễ chính (Ka-thin-vat-thus) phải là Tam y bao gồm: Chi – pô là Y vai trái, Song-ka-đây là tăng gia lê và Sa-bong là y nội (chỉ được cúng dường một trong ba thứ đó).
3.  Sư thâu nhận vật cúng dường phải là tỳ khưu đã trãi qua 3 tháng nhập hạ.
4.   Người cúng dường phải tuân theo luật tạng của Đức Phật.
5.   Người cúng dường sẽ nhận được 5 phúc duyên:
-  Một là: người cúng dường sẽ có được ngoại hình đẹp (So-rup-ta).
-  Hai là: người cúng dường có màu da đẹp, mịn màng, không dấu vết,…(So-van- na-ta).
-  Ba là: người cúng dường sẽ có vốc dáng đẹp (So-san-dha-na).
-  Bốn là: người cúng dường sẽ trở thành người tài giỏi, cao sang (Cha-ka-vak-ko-ti).
-  Năm là: kiếp cuối cùng của người cúng dường sẽ được gặp Đức Phật và được nghe thuyết pháp, đắc tứ đạo, tứ quả và nhập Niết bàn.
2.  Nghi lễ dâng y
Chuẩn bị:
Đầu tiên, gia chủ tổ chức lễ phải xin phép sư trụ trì của ngôi chùa mà họ muốn làm lễ dâng y vào. Lý do người ta làm việc này là do một ngôi chùa chỉ được phép nhận một lễ dâng y nên phải xin trước để có sự sắp xếp, không bị trùng lắp với người khác.
Tiếp theo, gia chủ tiến hành sắm vật lễ như Cà Sa, tượng Phật, bình bát, giường, tủ,…Chuẩn bị thức ăn, đồ uống để dâng đến các vị sư và tiếp đãi khách tại nhà.
Gần đến ngày lễ, người ta cất rạp. Ngày xưa, người ta chuẩn bị cất rạp trước ngày lễ một tháng. Người ta mượn hàng xóm đốn tre, chuẩn bị lá để cất rạp. Rạp được cất thành bốn căn. Căn thứ nhất để giành cho các vị sư thiền làm lễ. Căn thứ hai dành tiếp đãi nước cho khách. Căn thứ ba dùng để đãi cơm và căn thứ tư dùng để nấu thức ăn. Người ta trang trí rạp bằng giấy cắt, cây lá đủng đỉnh và cờ Phật giáo rất đẹp. Đặc biệt là căn dùng để làm lễ, người ta dựng một cái giàn ba tầng. Trên mỗi bậc của giàn, người ta trang trí cho thật đẹp mắt. Trên bậc cao nhất, người ta đặt tượng Phật. Sau tượng Phật, người ta treo hình Phật ba phía (phía sau, bên trái, bên phải). Ở bậc giữa, người ta bày bông hoa bạc, vàng (trên mỗi nhánh hoa có kết tiền). Thường gia chủ làm hai cây bông to, cao nhất đặt hai bên ở bậc thứ hai. Người thân của gia chủ hoặc bà con trong phum sróc thì làm những cây bông nhỏ hơn cũng đặt ở bậc hai. Ở bậc dưới cùng người ta để y cà sa, nhang, nến. Gần đó, người ta đặt các vật cúng khác sẽ dâng vào chùa như bàn, ghế, tủ, giường,…
Ngoài ra, gia chủ còn phải thỉnh các vị sư trong chùa bao gồm cả sư trụ trì, mời khách, mời Acha hướng dẫn hành lễ.
Các nghi lễ chính: Lễ thường kéo dài hai ngày.
1. Ngày vào đám: Kiểm tra lại cách bày trí trong rạp và tổ chức cúng cơm. Khoảng năm giờ chiều, người ta bày hai mâm cơm gồm: cơm, thức ăn, bánh trái, trầu cau, thuốc. Quan trọng nhất là phải có một đầu heo luộc và chỉ buộc tay để cúng Krung Pealy và vong linh ông bà quá cố. Xong, vị Acha thỉnh vị sư đến tụng kinh hồi hướng cho vong linh ông bà và xin phúc lành cho những người còn sống. Đặc biệt gia chủ nhận được phúc đức của Đức Phật ở ba cõi: Trời, Người và Phật.
2. Tối đến, người ta thực hiện các nghi lễ:
-  Niệm Phật
-   Lễ bái Tam bảo
-   Gia chủ đọc diễn văn
-  Tuyên bố vật lễ của thân nhân gia chủ
-  Các vị sư thuyết pháp
-  Lễ an vị tượng Phật và hồi hướng cho vong linh ông bà.
Ngày thứ hai:
-  Dâng cơm đến chư tăng
-  Tiếp đãi khách
-  Dâng cơm trưa đến chư tăng
-  Đưa vật lễ đến chùa (khoảng thời gian là từ 01 giờ trưa đến chiều), trong nghi thức đưa lễ vật đến chùa được sắp xếp theo đoàn dẫn đầu đoàn thường là đội múa trống Chhay-Dam, trống kèn, và có cả dàn nhạc ngũ âm được hòa âm tạo nên không khí náo nhiệt, long trọng, tiếp theo sau là đoàn người với những lễ vật cúng như cây bông kết tiền, các vật dụng được đặt trên chiếc kiệu đưa đến chùa.
+ Đến chùa, tiến hành diễu hành ba vòng chánh điện.
+ Vào chánh điện các vị sư và phật tử tiếp tục với nghi lễ tụng kinh và sau đó vị sư trụ trì chọn một vị sư tu hành tốt, chấp hành đúng giới luật nhập hạ và có công lao lớn trong chùa để tín đồ dâng tặng y càsa. Và tiếp theo là dâng đến các vị tỳ khưu còn lại.
Kết thúc lễ.
Người làm lễ dâng y Kathina đầu tiên
Sau khi được tin Đức Phật cho phép tỳ khưu nhận vật cúng dường là vải Kathin, đức vua Pa-sen-na-thi Ko-sol đã làm lễ dâng y đến chư tăng. Lần đó, vị sư tên là Pa-chhay-da-na-the đại diện các vị sư tỳ khưu thâu nhận vật cúng dường.
Đức Phật khen ngợi ý nghĩ của lễ và phúc báo của thiện nam, tín nữ rất nhiều. Trong buổi thuyết pháp, đức Phật kể lại tiền kiếp của Ngài lúc còn là vị Bồ tát có tên No-ra Chi-va Thu-ka-ta đã tận tâm giúp bá hộ làm lễ Kathina cúng dường đến Đức Phật mang tên Pa-thum-ma-ta-ra. Lúc đó, Ngài cho đệ tử tên là So-chia-ta-the là người nhận vải Kathin. Vị Bồ tát được tiên đoán là sau này sẽ đắc đạo thành Phật. Tỳ khuy So-chia-ta-the nghe những lời tiên đoán như thế, có lòng tin nơi đạo Phật và về nhà rủ thân nhân tổ chức lễ Kathina đến  Đức  Phật.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bảng chữ cái Khmer

Xe khách

Chùa Mỹ Văn