Trà Vinh - Vùng đất giao thoa giữa đồng bằng và biển

Trà Vinh là miền đất trù phú, không chỉ thuận lợi về phát triển nông nghiệp, kinh tế biển…, mà còn có tiềm năng phong phú để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh.
Toàn cảnh chùa Hang ở Trà Vinh - kiến trúc đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer
Là tỉnh Duyên hải thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh có vị trí khá thuận lợi cho lưu thông, khi chỉ cách TP.HCM 130 km theo Quốc lộ 60 và cách TP. Cần Thơ 100 km theo Quốc lộ 54. Diện tích tự nhiên của Trà Vinh là 2.341 km2, dân số trên 1,1 triệu người, với 3 dân tộc chính cùng sinh sống là: Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số.

Tỉnh có 65 km bờ biển, thuận lợi cho kinh tế biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch biển, kết hợp khám phá bản sắc văn hóa của địa phương.

Tiềm năng du lịch còn nhiều

Trà Vinh là tỉnh mưa thuận gió hòa, là vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển, gồm vùng đất trẻ bên cạnh vùng đất châu thổ lâu đời, mà điểm nhấn là bãi biển Ba Động còn lưu lại vẻ đẹp hoang sơ với những khu rừng ngập mặn, hệ sinh thái đa dạng. Thành phố Trà Vinh được mệnh danh là “đô thị xanh – thành phố trong rừng – rừng trong phố”.

Đến với Trà Vinh, du khách sẽ tận hưởng được khoảng không gian xanh tại trung tâm thành phố Trà Vinh, cũng như các vùng lân cận và các điểm du lịch với hệ thống cây cổ thụ dày đặc, cảnh quan môi trường trong lành, con người thân thiện, mến khách.

Với vị trí nằm trên Quốc lộ 60, sau khi cầu Đại Ngãi nối liền hai bờ sông Hậu (Sóc Trăng – Trà Vinh) xây dựng và đưa vào sử dụng, Trà Vinh sẽ là địa bàn kết nối các tỉnh ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, với tiềm năng du lịch được đánh giá đa dạng, phong phú, rất phù hợp cho các doanh nghiệp đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hiện trên địa bàn Trà Vinh đã có Khu du lịch biển Ba Động, Khu du lịch sinh thái Cù lao Long Trị. Đặc biệt là danh thắng Ao Bà Om nổi tiếng, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Du lịch tâm linh là một khái niệm mới, xuất hiện trong thời gian gần đây của giới nghiên cứu văn hóa và những người làm công tác quản lý du lịch. Tuy nhiên, du lịch tâm linh có sức thu hút mạnh mẽ, do đáp ứng nhu cầu khám phá đời sống tâm linh và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Du lịch tâm linh gắn với khám phá bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Khu du lịch biển Ba Động (Trà Vinh) thu hút ngày càng đông du khách
Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Trà Vinh có đời sống tinh thần, đời sống tâm linh rất phong phú. Trên địa bàn tỉnh có nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh.

Sản phẩm du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh là 142 ngôi chùa Khmer có kiến trúc cổ kính, không gian xanh, thoáng đãng. Trong đó, có 5 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đặc biệt chùa Âng nằm trong quần thể di tích danh thắng Ao Bà Om, là ngôi chùa Khmer cổ nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi diễn ra nhiều nghi lễ cầu an, cầu tài, xin lộc làm ăn mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Bên cạnh đó, các ngôi chùa, đình, miếu của người Kinh, người Hoa với những nghi lễ tín ngưỡng dân gian đặc trưng, có giá trị văn hóa cao, cũng có thể khai thác du lịch.

Đến biển Ba Động, ngoài dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du khách có thể tham quan Thiền viện Trúc lâm Trà Vinh và thực hành nghi thức tọa thiền để cải thiện sức khỏe, hoặc có thể cầu an, cầu tài và thực hiện các nghi lễ tại Vạn niên phong cung của người Hoa ở huyện Cầu Kè.

Bên cạnh du lịch tâm linh thì du lịch văn hóa cũng là sản phẩm du lịch có nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh Trà Vinh. Trên địa bàn tỉnh có 30 di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng, gồm 12 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều di tích quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Khu di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II, Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út…

Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm ở vùng đất này, miêu tả sinh động đời sống vật chất, tinh thần của cư dân vùng đất Trà Vinh như: Lễ hội Nghinh Ông của người Kinh, Lễ hội Vu lan của người Hoa, Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer. Mỗi lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Ngoài ra, du lịch khám phá bản sắc văn hóa, nghệ thuật, đời sống và các tập tục độc đáo của người Khmer Trà Vinh tại các phum, sóc cũng là một trong những sản phẩm du lịch có giá trị, mang đặc thù riêng của tỉnh.

Trải thảm đón nhà đầu tư

Với tiềm năng du lịch đa dạng và có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, Trà Vinh luôn chú trọng công tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch.

Hiện trên địa bàn Trà Vinh có nhiều dự án đầu tư lớn, một số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng như: cầu Cổ Chiên, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (kênh đào Trà Vinh) và đang triển khai các dự án Khu kinh tế Định An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 53, 54, 60… tạo điều kiện cho Trà Vinh khắc phục hạn chế về mặt địa lý, trở thành cửa ngỏ giao thương quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, nhất là sau khi thông xe cầu Cổ Chiên, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã từng bước phát huy hiệu quả, thu hút lượng du khách đến tham quan ngày càng đông. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, do ngân sách của địa phương còn hạn chế, chưa thể đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nên du lịch Trà Vinh chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên sẵn có. Do đó tỉnh Trà Vinh đặc biệt coi trọng công tác xúc tiến và mời gọi đầu tư để cùng khai thác có hiệu quả du lịch.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư chung, tỉnh Trà Vinh ban hành nhiều chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư du lịch, góp phần biến Trà Vinh thành điểm du lịch hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long./.

Nguồn Báo đầu tư - Tác giả: Tự Huy
Sưu tầm www.dulichtravinh.com.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bảng chữ cái Khmer

Xe khách

Chùa Mỹ Văn