Đánh giá thực trạng để phát triển du lịch
Đó là việc cụ thể cần làm ngay tại các địa phương có tiềm năng du lịch cần phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre là huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách và TP. Bến Tre để làm điểm nhấn cho du lịch toàn tỉnh.
Để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X về phát triển du lịch và tiếp tục thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII thông qua tại kỳ họp lần thứ XII. Đồng thời cụ thể hóa Đề án “Phát triển thương mại, dịch vụ và Du lịch tỉnh Bến tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Ngày 11/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh có cuộc họp do ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Đến dự có đại diện UBND của huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách và TP. Bến Tre; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo phòng Quản lý Du lịch; lãnh đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cùng dự.
Quang cảnh cuộc họp, Ông Nguyễn Hữu Phước - PCT UBND tỉnh chủ trì (Người ngồi giữa) |
Lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương và ngành chủ quản báo cáo thực trạng và bàn sâu vào ba nội dung chính là “Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành Du lịch và xây dựng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù riêng có tại từng huyện và thành phố Bến Tre”.
Thực Trạng
Theo báo cáo thực trạng cho thấy những năm qua, nhất là khoảng thời gian từ năm 2010 trở lại đây du lịch có bước phát triển khá tốt, có chiều hướng khởi sắc cho du lịch xứ dừa từng bước đi theo sự phát triển du lịch chung của cả nước; các loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa là nét đặc thù chung của tỉnh; bên cạnh đó các loại hình du lịch khác như du lịch về nguồn, tham quan các khu văn hóa lịch sử cũng phong phú như: Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, di tích Đồng Khởi,... đã thu hút du khách tham quan khá đông; loại hình du lịch trải nghiệm rừng ngập mặn kết hợp tham quan di tích lịch sử, làng nghề và văn hóa bản địa vùng biển cũng phát triển tốt.
Nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư xác định được vị trí, vai trò và xem việc phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng để góp phần cho phát triển kinh tế xã hội. Cơ sở hạ tầng xã hội như cầu đường, điện, nước, viễn thông,... cũng được xây dựng tương đối đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư du lịch về Bến Tre, giúp nhà đầu tư tiếp cận được các vùng quy hoạch du lịch của tỉnh. Hằng năm đều có sản phẩm mới ra đời; cơ sở lưu trú đủ sức phục vụ du khách theo từng phân khúc; bước đầu 1 sao, 3 sao rồi 4 sao; những điểm du lịch từng bước chỉnh trang, tăng dần dịch vụ và có chất lượng; những tour, tuyến mới cũng được khai thác,...
Hoạt động thông tin, xúc tiến giới thiệu quảng bá thường xuyên đổi mới về hình thức và nội dung, giúp du khách gần xa biết nhiều đến Bến Tre và đã thu hút lượng khách về Bến Tre hằng năm tăng 13% so với cùng kỳ. Năm 2010 lượng khách chỉ có khoảng 500.000 lượt thì năm 2015 đã thu hút 1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế chiếm 43%. Chương trình liên kết đã ký kết để phát triển du lịch với Hà Nội, TP.HCM, Bạc Liêu, Cần Thơ; các tỉnh liên kết trong cụm phía Đông đồng bằng sông Cữu Long gồm 6 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An và Đồng Tháp cũng có chiều hướng phát triển tốt, đã liên kết những tour liên tỉnh và cũng đã tạo cho du khách quan tâm nhiều đến Bến Tre.
Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa được đầu tư nâng cấp về điện, nước, đường giao thông,... để du khách tiếp cận các điểm du lịch tốt, nhất là còn khó khăn trong dân sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay; Sản phẩm du lịch còn mang nét chung, chưa bật lên đặc thù của từng huyện, từng địa phương để trở thành sản phẩm đặc thù chung của tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Những hạ tầng kỹ thuật du lịch được phân bổ hàng năm chưa đáp ứng với nhu cầu kinh phí dự án; một số dự án triển khai chậm; ...
Tất cả những hạn chế đó là do lãnh đạo các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức đến ngành du lịch; lúng túng trong việc xây dựng mô hình mang tính đặc thù của địa phương; Nguồn kinh phí phân bổ cho các dự án chưa đáp ứng theo tiến độ hàng năm; kinh phí hoạt động cho công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch quá hạn hẹp so với các tỉnh trong khu vực; chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu đàn để hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ phát triển.
Mục tiêu phát triển
Ngành du lịch của tỉnh đến năm 2020 sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế trong phát triển du lịch như tài nguyên thiên nhiên, một nét riêng của sinh thái rừng Dừa hiện có, văn hóa lịch sử, các làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề khai thác dừa, các sản phẩm từ dừa làm đề tài chính cho việc xây dựng sản phẩm đặc thù của tỉnh. Tăng cường phát triển các loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn (cả ba vùng sinh thái: mặn, lợ và ngọt). Tham quan nghiên cứu văn hóa lịch sử (các di tích cấp quốc gia). Du lịch Tâm linh (các Đình; Chùa; tìm hiểu sự huyền bí của nhà thờ La Mã là một trong ba điểm hành hương của Công giáo Việt Nam; nhà thờ Cái Mơn là nhà thờ lớn nhất khu vực; Tòa thánh Tiên Thiên, tòa thánh Ban Chỉnh của đạo Cao Đài - Việt Nam,...). Du lịch vui chơi giải trí, thương mại, công vụ,... Chỉ tiêu tổng thu từ khách du lịch hàng năm tăng 22% so với cùng kỳ.
Để xây thương hiệu du lịch Bến Tre trước mắt phải tổ chức lại các loại hình dịch vụ du lịch nhằm nâng cao chuỗi giá trị theo hướng xã hội hóa phát triển du lịch, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù, chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng, tận dụng khai thác phát triển những cái đã có, nâng chất lượng sản phẩm dịch vụ tạo ra đa dạng hóa sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020 đón và phục vụ 1.700.000 lượt khách, tăng bình quân 11%/năm, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.890 tỉ đồng, tăng 22%/năm.
Vận động xây dựng 7 cơ sở mới để nâng lên 74 cơ sở lưu trú với 1.600 phòng, (trong đó cải tạo công năng, nâng cấp trụ sở cũ Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành khách sạn cổ điển; 1 khách sạn 4 sao tại TP.Bến Tre và 4 khách sạn 2 sao tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách, nâng các nhà nghỉ đạt khá lên khách sạn đạt chuẩn); xây dựng 12 cơ sở ăn uống đạt chuẩn để nâng lên 92 cơ sở với 22.300 chỗ ngồi (trong đó TP Bến Tre 4 điểm đạt chuẩn ăn uống và Châu Thành, Chợ Lách, Bình Đại, Thạnh Phú mỗi huyện 2 cơ sở); phát triển 17 điểm du lịch nâng lên 84 điểm du lịch đạt chuẩn phục vụ khách (tập trung xây dựng sản phẩm du lịch thưởng ngoạn, trải nghiệm cảnh quan sông nước, vườn câu ăn trái, vườn dừa xen ca cao, vườn dừa xen bưởi da xanh;...
Để đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm đặc thù, tạo sự khác biệt giữa các tỉnh ĐBSCL mang tính độc đáo, nổi trội, phù hợp với nhu cầu thị trường khách; cần đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và luôn cải tiến để thỏa mãn nhu cầu du khách. Ông Nguyễn Hữu Phước chỉ đạo các huyện và TP.Bến Tre cần nguyên cứu theo hướng phát triển du lịch cộng đồng thành cụm, tạo không gian dừa, nơi sinh hoạt, trò chơi giải trí, khai thác tuyến ven sông từ cầu Mỹ hóa về cầu Bến Tre (cầu BT 2 về cầu BT 1) thành cụm điểm du lịch; nguyên cứu bến tàu du lịch chung của tỉnh trên địa bàn thành phố; tập hợp các công ty lữ hành thành Trung Tâm lữ hành gắn kết với Trung tâm Xúc tiến Du lịch. Huyện Giồng Trôm tập trung du lịch cộng đồng cho xã Hưng Phong (Cồn Ốc) đồng thời nghiên cứu phát triển du lịch tìm hiểu tâm linh tại Nhà thờ La Mã. Huyện Châu Thành mở thêm nhiều điểm tham quan, cần suy nghĩ phát triển du lịch tâm linh (Tòa thánh Tiên Thiên - Cao đài Việt Nam). Huyện Chợ Lách cần phát triển chọn nhà cổ kết hợp làng nghề cây giống, hoa kiểng và trái cây; hướng trước mắt, huyện tập trung xây dựng làng nghề hoa kiểng Cái Mơn có cổng chào; xây dựng các tuyến đường du lịch từ 3 đến 5m; trùng tu di tích Trương Vĩnh Ký,...
Ông Nguyễn Hữu Phước cũng nhấn mạnh cần lưu ý kỹ để xác định đối tượng khách là ai để phát triển du lịch cho đúng hướng ở từng địa phương. Trong phát triển du lịch, các địa phương cần xem xét vấn đề còn vướn mắc để tháo gở kịp thời; cần thiết lập trạm thông tin du lịch ở từng huyện; cần tuyên truyền quảng bá nhiều hơn, nhất là trên trang thông tin điện tử; quan tâm đến tuyên truyền trực quan; quản lý du lịch cần thường xuyên nhắc nhỡ doanh nghiệp niêm yết giá cả, cần thiết phân loại để quản lý. Đó là những vấn đề trước mắt mà những người quản lý du lịch cần quan tâm để cùng doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng sản phẩm đặc thù từng địa phương không trùng lắp để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh trong khu vực ĐBSCL để du lịch Bến Tre có thương hiệu trong phát triển du lịch Việt Nam./.
Nhận xét
Đăng nhận xét