Hội nhập và phát triển bền vững - Một quá trình dài của những kỳ MDEC (2007-2016) Ngành du lịch ngày càng được quan tâm và khởi sắc
Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hàng năm là hoạt động liên kết giữa các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh nhằm hợp tác đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế cho vùng và từng bước cũng có sự chú trọng đến du lịch là một ngành công nghiệp không khói đã được các tỉnh đưa vào nghị quyết để phát triển du lịch nhằm góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.
Năm 2007, MDEC - TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Kinh tế ĐBSCL những tác động từ WTO” đã bước đầu cho việc nhìn nhận về việc hội nhập thương mại thế giới đối với ĐBSCL, các doanh nghiệp kinh doanh cần lưu ý đây là động lực và tiền đề cho việc phát triển kinh tế sau khi có sự tác động của hội nhập WTO.
Sân khấu hóa buổi khai mạc MDEC Hậu Giang - 2016 |
Năm 2008, MDEC - Cần Thơ với chủ đề “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông”. Năm 2009, MDEC - An Giang với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL trong thời kỳ mới”. Đến năm 2010, MDEC - Kiên Giang với chủ đề “Phát huy lợi thế sông, biển phát triển kinh tế bền vững”. Năm 2011, MDEC - Cà Mau với chủ đề “ĐBSCL liên kết phát triển bền vững”. Năm 2012, MDEC - Tiền Giang với chủ đề “ĐBSCL hướng tới nền nông nghiệp chất lượng và bền vững trong thời kỳ hội nhập”. Năm 2013 MDEC - Vĩnh Long với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”. Năm 2014 MDEC Sóc Trăng với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”. Để tạo điều kiện cho du lịch ĐBSCL phát triển, năm 2015 là năm du lịch quốc gia Phú Quốc - Kiên Giang, đồng thời để Cần Thơ đăng cai với chủ đề “Tuần lễ du lịch xanh” nhằm tập trung toàn bộ cho du lịch ĐBSCL phát triển.
Gian hàng nhà dừa tỉnh Bến Tre trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh tại MDEC-2016 |
Cần Thơ là một thành phố loại I trực thuộc Trung ương, cũng là thành phố lớn nhất ĐBSCL đã kết nối với các tỉnh trong vùng để phát triển du lịch. Tuần lễ du lịch xanh đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực sau đó; du lịch các vùng miền khác, các công ty lữ hành lớn trên toàn quốc và các công ty nước ngoài cũng quan tâm nhiều. Sau các sự kiện diễn ra của Tuần lễ du lịch xanh đã giúp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, cũng như thu hút được nhiều khách hơn.
Năm 2016, tỉnh Hậu Giang đăng cai MDEC với chủ đề “ĐBSCL chủ động hội nhập và phát triển bền vững”; diễn ra từ ngày 11 đến 17/7/2016 tại thành phố Vị Thanh tỉnh Hậu Giang. Chuỗi hoạt động diễn ra với 7 sự kiện chính trong đó nội dung tập trung việc chủ động hội nhập và phát triển bền vững. Đây là một “sân chơi” lớn đang ở phía trước; nhiều Hội thảo, Hội nghị nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL; bàn thảo nhiều về vấn đề an sinh xã hội vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, diễn đàn lần nầy có các sự kiện kết hợp do các bộ, ngành, TP.HCM và tỉnh Hậu Giang tổ chức, trong đó có Hội thảo phát triển du lịch ĐBSCL do Tổng cục Du lịch chủ trì; Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch vùng ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh do BCĐ Tây Nam bộ và UBND TP.HCM tổ chức. Đây là cơ hội để các tỉnh, thành nội vùng mời gọi đầu tư cũng như các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn sẽ kịp thời tháo gỡ nhằm tăng cường mối liên kết, thúc đẩy hợp tác xúc tiến ĐT-TM- DL giữa các tỉnh thành đã ký kết hợp tác cùng hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó phát triển xúc tiến du lịch đến năm 2020 trở thành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương và cả nước.
Hội Nghị cũng đã khẳng định du lịch ĐBSCL có lợi thế rất lớn với hơn 700km bờ biển cùng hệ thống sông nước, kênh rạch, vườn cây, văn hóa các dân tộc, ... rất phù hợp với sinh thái sông nước miệt vườn và nhất là có hai sân bay quốc tế (Cần Thơ và Phú Quốc) đã thúc đẩy phát triển du lịch trong cả vùng ĐBSCL.
Bến Tre cách Cần Thơ 100km đi trên quốc lộ 1A nối qua quốc lộ 60 rất thuận lợi trong việc lưu thông du lịch; đồng thời Bến Tre cũng là tỉnh có 65km bờ biển, có sông ngòi chằng chịt, có rừng Dừa bao la, phù hợp với sự nhận định của Hội nghị. Hiện Bến Tre đang liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong cụm phía Đông ĐBSCL gồm Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp. Mỗi địa phương có những sản phẩm du lịch đặc thù tạo thành một tour, tuyến du lịch phong phú, đa dạng sản phẩm, giúp du khách đến ĐBSCL không thể không về dăm ba ngày để tìm hiểu và trải nghiệm tại cụm phía Đông duyên hải (là một trong hai cụm của ĐBSCL). Trong tương lai không xa, sự kết nối du lịch giữa các tỉnh liên kết sẽ vang xa với thương hiệu “Sáu địa phương - Một điểm đến” trong đó Bến Tre với thương hiệu “Sinh thái - sông nước Xứ Dừa” và thương hiệu của các tỉnh bạn trong cụm cùng vang xa./.
Nhận xét
Đăng nhận xét